Giỏ hàng

TRẺ ĐANG UỐNG KHÁNG SINH CÓ NÊN TIÊM PHÒNG

Tiêm phòng là phương pháp hiệu quả nhất trong việc tạo nên hệ miễn dịch bền vững cho trẻ chống lại một số bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên không phải lúc nào sức khỏe của trẻ cũng đảm bảo tại thời điểm tới lịch tiêm chủng. Một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh băn khoăn chính là khi trẻ đang uống kháng sinh có nên đi tiêm chủng hay không?

1. Trẻ đang uống kháng sinh có nên tiêm phòng

Thực tế, có không ít trường hợp trẻ đang sử dụng kháng sinh nhưng lại đến lịch tiêm chủng vì trẻ nhỏ trong độ tuổi này rất thường hay gặp các triệu chứng như ho sốt, tiêu chảy,... Nhưng về nguyên tắc thì ngoài một số trường hợp ngoại lệ thì không có chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ đang uống kháng sinh. Dùng kháng sinh không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin sống giảm độc lực (ngoại trừ vắc-xin thương hàn uống) và vắc-xin bất hoạt.

Những trẻ này cần được khám sàng lọc trước tiêm chủng nhằm xác định kỹ càng hơn tình trạng sức khỏe bởi bác sĩ chuyên khoa. Các trường hợp sốt, tiêu chảy đang dùng kháng sinh có thể sẽ phải hoãn tiêm để chờ cho bình phục sức khỏe, sốt do mọc răng thì vẫn có thể tiêm bình thường. Trường hợp ho, sổ mũi cần chỉ định tiêm chủng hay hoãn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra còn cầu lưu ý một số loại vắc-xin sau:

  • Không nên tiêm vắc-xin cúm sống giảm độc lực trong vòng 48 giờ sử dụng thuốc kháng virus mặc dù thuốc kháng virus không ảnh hưởng đến vắc-xin cúm bất hoạt.
  • Vắc-xin sống zoster hoặc vắc-xin thủy đậu có thể bị giảm hiệu quả bởi thuốc kháng virus herpes. Vì vậy phải dừng sử dụng thuốc này ít nhất 24 giờ trước khi tiêm vắc-xin sống zoster hoặc thủy đậu.
  • Không có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc kháng virus đối với vắc-xin Rotavirus và vắc-xin MMR (sởi, quai bị, rubella)
Khám nhi, khám trước tiêm phòng vacxin
Trẻ cần được khám sàng lọc trước tiêm chủng giúp đánh giá tình trạng sức khoẻ

2. Khi nào không nên cho trẻ tiêm chủng?

    Một số trường hợp phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ đi tiêm chủng vì có thể gây ra các phản ứng nguy hiểm, cần sự thăm khám sàng lọc của bác sĩ gồm:

    • Trẻ có thân nhiệt hạ dưới 35,5°C hoặc sốt cao trên 37,5°C
    • Trẻ bị nhiễm khuẩn cấp tính
    • Trẻ đang mắc viêm da mủ, bệnh chàm da có nguy cơ viêm nhiễm toàn thân.
    • Trẻ đang mắc một số bệnh mãn tính tiến triển như lao phổi, tràn dịch màng phổi, bệnh thận (viêm thận mạn)

    Theo đó, phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thật kỹ lưỡng để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm. Trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có các biểu hiện bệnh lý nguy hiểm cũng cần hoãn lịch tiêm cho đến khi đủ cân hoặc hết các triệu chứng trên. Một số điều kiện tiêm chủng của trẻ gồm có:

    • Cân nặng tiêu chuẩn: 2,5 kg (trẻ sơ sinh)
    • Tổng trạng: tình trạng bú, ngủ, chơi
    • Tình trạng sốt hay mắc bệnh
    • Các phương pháp điều trị đang sử dụng
    • Tiền sử dị ứng với thuốc, thức ăn
    • Tiền sử tiêm chủng vắc-xin: có phản ứng quá mẫn hay dị thường trong các lần tiêm trước hay không?

    Nhìn chung việc quan trọng nhất đối với tiêm chủng ở những trẻ đang sử dụng kháng sinh là khám sàng lọc trước tiêm vì vậy trước khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ, mẹ cần tìm hiểu kỹ bệnh viện, đơn vị tiêm chủng, đồng thời xem xét đến đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhi trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm.

    Trẻ sốt 38 độ
    Cha mẹ nên thông báo với bác sĩ khi trẻ có triệu chứng bất thường
    Facebook Top